Hội nghị Quốc Tế lần thứ 3 “Nghiên cứu Biển, Cửa sông và Bãi bồi – ECSS 2017”

Sáng ngày 07 tháng 11 năm 2017, tại Trung tâm hội nghị Khách sạn Victory, 14 Võ Văn Tần, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST – thuộc Sở KHCN TP.HCM) và Trường  ĐH Nihon (Nhật Bản) đồng tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về Nghiên cứu Biển, Cửa sông và Bãi bồi – ECSS 2017 (The 3rd International conference on Estuarine, Coastal and Shelf Studies).

Hội nghị quốc tế ECSS 2017 nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học trên khắp cả nước với hơn 30 bài tham luận được trình bày tại hội nghị và 12 báo cáo treo (posters) trình bày  kết quả các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực biển, cửa sông và bãi bồi.

GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng cùng GS. TS Akio Kobayashi và TS. Takaaki Uda trao đổi thông tin hợp tác

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM- đại diện đơn vị tổ chức đã nêu lên các tác động của con người cũng như tác động của biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các quá trình tự nhiên ở biển và đại dương như mực nước biển dâng, sự thay đổi nhiệt độ không khí, bão và áp thấp nhiệt đới, xói lở vùng cửa sông và ven biển, ô nhiễm biển…

Từ đó, Giáo sư bày tỏ hy vọng các báo cáo, kết quả nghiên cứu và tham luận tại hội nghị năm nay sẽ mang lại nhiều thông tin có giá trị khoa học cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, các nhà quản lý và  học viên, sinh viên đang quan tâm đến các ngành khoa học biển.

GS. TS. Nguyễn Kỳ Phùng – Viện Trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Tính toán phát biểu tại hội nghị ECSS 2017

Thay mặt trường Đại học Nihon (Nhật Bản), GS.TS Akio Kobayashi trình bày các kết quả và định hướng nghiên cứu của Khoa Kiến trúc và Kỹ thuật Đại dương – ĐH Nihon. Đồng thời, Giáo sư gửi lời cảm ơn đến Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán và Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác với trường Đại học Nihon từ năm 2012 đến nay. Trong những năm vừa qua, mối quan hệ giữa ba đơn vị tổ chức đã được xây dựng và không ngừng nâng cao, nhằm tạo ra một môi trường trao đổi học thuật cho các nhà khoa học, cũng như giúp đỡ Đại học Nihon trong các chuyến khảo sát thực địa.

GS. TS. Akio Kobayashi, đại diện trường Đại học Nihon Nhật Bản trình bày các kết quả Nghiên cứu và định hướng hợp tác

Đại diện trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, PGS. TS. Trần Viết Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường  đã bày tỏ niềm hân hoan chào đón các đại biểu là những nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý, NCS, học viên cao học và sinh viên đã đến tham dự hội nghị quốc tế ECSS 2017. Phó giáo sư  Hoàng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngành Quản lý Tài nguyên và môi trường biển đảo- là một ngành mới mở ở trường với nhiều triển vọng. Đây là một trong những ngành mũi nhọn của trường trong thời gian tới. Thông qua hội nghị ECSS 2017, PGS đã trình bày những khả năng hợp tác sắp tới với trường Đại học Nihon cũng như mong muốn mở rộng qui mô hội nghị nhằm thu hút đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước đến tham dự. Kết thúc bài khai mạc, Phó Hiệu trưởng Trần Viết Hoàng đã gửi lời chúc tốt đẹp đến hội nghị, quý đại biểu tham dự và tuyên bố khai mạc hội nghị ECSS 2017.

PGS. TS. Trần Viết Hoàng , Phó Hiệu Trưởng trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phát biểu chào đón
quý đại biểu đến tham dự  hội nghị ECSS 2017

Mở đầu phiên toàn thể, TS. Takaaki Uda – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công trình công cộng (Nhật Bản) – đã chia sẻ kinh nghiệm từ việc xây dựng bờ biển nhân tạo trên đảo Okinawa, khi xây dựng các đê chắn sóng gần bờ biển, nhà khoa học cần dự báo hiệu quả che chắn sóng để tránh hư hại. Ngoài ra, nên lưu ý sự di chuyển của cát dưới ảnh hưởng của sức gió vì đây là nguyên nhân làm chi phí bảo trì hạ tầng tăng cao.

Cũng trong Phiên toàn thể Hội nghị  ECSS 2017, PGS.TS Lê Văn Trung – Giám đốc Trung tâm Địa Tin học (ĐHQG TPHCM) trình bày định hướng chính liên quan đến ứng dụng viễn thám trong quản lý tổng hợp đới bờ vùng đồng bằng sông Cửu Long. PGS Trung đã giới thiệu một số ứng dụng của công nghệ viễn thám, đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm giám sát tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, kết hợp với việc sử dụng công nghệ GIS nhằm xây dựng một Hệ thống thông tin địa lý đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta Geographic Information Systems – MGIS) sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan ban ngành trong công tác quản lý và quy hoạch đới bờ trong khu vực. PGS.TS Lê Văn Trung chia sẻ dù kỹ thuật viễn thám đã được ứng dụng rộng rãi ở nước ta trong vài năm qua nhưng còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Qua kinh nghiệm sử dụng công nghệ viễn thám (ảnh và thông tin tích hợp), ông  hy vọng hệ thống thông tin địa lý đồng bằng sông Cửu Long (MGIS) sẽ là giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị trong vùng tạo ra các bản đồ chuyên đề cần thiết cho việc quản lý và quy hoạch đới bờ để thực hiện chiến lược phát triển bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong không gian trao đổi học thuật của phiên toàn thể hội nghị ECSS 2017, nhiều ý kiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm hữu ích từ các nhà khoa học, nhà quản lý và quý đại biểu tham dự đã đưa ra thảo luận. Song song đó, Ban Tổ chức hội nghị ECSS 2017 cũng đã bố trí một gian trưng bày các công trình nghiên cứu để các nhà khoa học có cơ hội giới thiệu các kết quả nghiên cứu và cùng nhau góp ý thảo luận.

Đến 10:30 am cùng ngày, Quý đại biểu tham dự hội nghị ECSS 2017 di chuyển về các  phiên phân ban.

Tại Phân ban 1, do PGS.TS Lê Văn Trung và PGS.TS Chế Đình Lý điều hành đã thu hút 8  diễn giả trình bày  các vấn đề về môi trường, kinh tế – xã hội đang diễn ra trên địa bàn vùng bờ biển Việt nam được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm như: vấn đề bồi lắng xói lở hệ thống sông rạch tỉnh An Giang, Đồng Tháp; tình hình nước biển dâng tại TpHCM; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Việt Nam; nghiên cứu giám sát rừng ngập mặn tại Cà Mau; ứng phó sự cố môi trường đường bờ tỉnh Bà rịa – Vũng tàu… Đồng thời, các tác giả cũng đã trình bày một bức tranh tổng hợp về bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho việc bảo vệ lâu dài cho toàn bộ môi trường hệ sinh thái biển và thúc đẩy các hoạt động khai thác diễn ra một cách bền vững.

Trong khuôn khổ ECSS 2017, các nhà khoa học đã trình bày nhiều nghiên cứu thực tế theo tình hình phức tạp ở nước ta như: Xác định cơ sở quy hoạch không gian biển tại Việt Nam và những thách thức phải đối mặt khi áp dụng quy hoạch, nhằm tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, sử dụng hệ sinh thái biển và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Biến động chất lượng nước và vi tảo tại cửa sông Ba Lạt, về sự biến động rõ rệt trong cấu trúc quần xã thực vật nổi trong mùa mưa; Phân tích và nhận biết mực nước biển dâng từ 2000-2014 qua sự biến thiên dữ liệu tại Trạm thủy văn Phú An (TP.HCM); Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng thủy sản vùng ven biển tại Việt Nam; Ứng dụng tọa độ cong để giải bài toán hai chiều về chuyển tải bùn cát và diễn biến đáy trong đoạn sông cong…

Tại Phân Ban 2 của hội nghị ECSS 2017, GS.TS Akio Kobayashi và PGS.TS Nguyễn Thị Bảy điều hành các hoạt động diễn ra sôi nổi với các nội dung đáng chú ý như: nghiên cứu quá trình bồi lắng đầm Đông Hồ tỉnh Kiên Giang; nghiên cứu sự hình thành đảo cát dưới tác động của sóng; sự suy giảm vận chuyển bùn cát dọc bờ bởi các loại mỏ hàn; mối liên hệ giữa quá trình phục hồi đường bờ và sự thay đổi địa hình đáy biển Sendai; thay đổi về tải lượng cát bùn lơ lững của hệ thống sông Hồng; mô phỏng dòng chảy và lan truyền một số chất hóa học tại vịnh Bình Cang; lập bản đồ hiểm họa sạt lở cho các sông chính khu vực TP. HCM dưới tác động của biến đổi khí hậu…

Tại phân ban 2 của hội nghị ECSS 2017, các nhà khoa học cho rằng để tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường từ các vùng cồn nổi, bãi bồi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong khi vẫn cân bằng, bảo tồn được các đặc trưng tự nhiên và năng suất của các hệ sinh thái, cần lưu ý những vấn đề cơ bản như: Tăng cường nhận thức về các vùng cồn nổi, bãi bồi; Xác định khách quan các đặc trưng sinh thái; Có phương thức khai thác, sử dụng hợp lý; Quản trị, kiểm soát hiệu quả. Trong đó, cần có cơ chế phối hợp, kết nối các ngành kinh tế hiện hữu với các cấp chính quyền, người sử dụng và quần chúng vào quá trình quản trị, kiểm soát. Các nhà khoa học cũng phân tích thực tiễn của ngành nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam, đề xuất giải pháp khắc phục những thiếu sót ở khía cạnh sản xuất và thị trường nhằm góp phần nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế.

Biến đổi khí hậu cũng là một chủ đề “nóng” bởi đây là nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng và xâm nhập mặn, thay đổi sinh lý và các đặc tính sinh học của sinh vật thủy sinh, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng ven biển. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế, sức khỏe và tài sản của cư dân ven biển. Do đó, rừng ngập mặn ở Cần Giờ có vai trò rất quan trọng như là lá chắn tự nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giảm tác động của bão, giảm mực nước dâng do bão và diện tích ngập.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn trao đổi về bản đồ hiểm họa sạt lở bờ sông dưới tác động của biến đổi khí hậu ở hạ nguồn sông Đồng Nai khu vực TP.HCM, nhằm góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng quát về các vùng có nguy cơ sạt lở bờ, từ đó đề ra các giải pháp ứng phó và thích nghi kịp thời.