Hội thảo Tập huấn về Hệ thống đào tạo trực tuyến LMS

Trong các ngày 19-20/8/2021, Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM (HCMUNRE) đã tổ chức hội thảo trực tuyến 2 ngày nhằm tập huấn cho giảng viên các trường thành viên của dự án “Tính bền vững vùng biển, ven biển và đồng bằng cho khu vực Đông Nam Á – MARE” làm quen với Hệ thống đào tạo trực tuyến “Learning Managment system Training – LMS“. Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của: PGS.TS. Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM; TS. Lê Thị Kim Thoa – Phó trưởng Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo và TS. Mr. Veljo Kabin, Estonian University of Life Sciences.

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM đã nêu rõ tầm quan trọng của nghiên cứu biển và đới bờ, cửa sông thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện này. Dự án MARE là một dự án tầm cỡ với sự tài trợ của Tổ chức thực hiện giáo dục, nghe nhìn và văn hóa – EACEA cùng với sự tham gia của các Trường Đại học quốc tế đến từ Italy, CHLB Đức, CH Estonia, Malaysia và các Đơn vị, các Trường Đại học của Việt Nam như: Đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM; Đại học Hàng Hải, Đại học Cần Thơ, Viện Hải dương học Nha Trang, v.v… Hội thảo diễn ra ngày hôm nay sẽ là buổi giới thiệu và traning về Hệ thống đào tạo trực tuyến “Learning Managment system Training – LMS” với nhiều tính năng ưu việt trong giảng dạy online, đã được ứng dụng rộng rãi trên hệ thống giáo dục toàn châu Âu. PGS.TS. Huỳnh Quyền hy vọng với những kiến thức, kỹ năng được giới thiệu trong Hội thảo sẽ giúp các giảng viên tại Việt Nam và Malaysia có thêm một công cụ hữu ích trong xu hướng giảng dạy online thích ứng với dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Ngày thứ nhất Hội thảo,TS. Lê Thị Kim Thoa – Phó trưởng Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo đã giới thiệu bộ phần mềm XAMPP sử dụng cho hệ thống soạn bài giảng Xerte ứng dụng để đưa vào hệ thống giáo dục trực tuyến Moodle đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Đây là bộ công cụ soạn bài giảng tiên tiến, có nhiều tiện ích phục vụ đắc lực cho việc giảng dạy và tương tác trực tuyến với người học. Đồng thời có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực cũng như mức độ tiếp thu/tương tác bài giảng của người học.

Các giảng viên tham gia Hội thảo tập huấn cũng đã thực hành làm quen và trực tiếp thao tác, soạn nháp bài giảng trên hệ thống Xerte. Đa số các thành viên tham gia đều có sự so sánh với phần mềm MS PowerPoint đang thịnh hành hiện nay và nhận thấy rằng, Xerte có rất nhiều ưu điểm và MS PowerPoint không có hoặc khó có thể thao tác hơn.

Kết thúc buổi tập huấn đầu tiên, hầu hết các thành viên tham gia Hội thảo từ Việt Nam và Malaysia đều đánh giá cao Hệ thống Xerte và trong năm học sắp tới sẽ ứng dụng Hệ thống này vào công tác đào tạo và giảng dạy tại đơn vị mình.

Trong ngày cuối cùng 20/8, Hội thảo có sự tham dự và tập huấn đồng thời của TS. Lê Thị Kim Thoa và TS. Veljo Kabin đến từ Estonian University of Life Sciences. Nội dung của buổi tập huấn này là hướng dẫn cách kết nối bài giảng đã được soạn trên Xerte từ vào Hệ thống đào tạo trực tuyến Moodle, cách thiết kế các bài kiểm tra đánh giá năng lực người học trực tiếp trên hệ thống.

Buổi chiều cùng ngày, TS. Veljo Kabin đến từ Estonian University of Life Sciences đã tập huấn các thành viên tham dự Hội thảo cách thức thiết kế các ngân hàng câu hỏi, trắc nghiệm, v.v… nhằm mục đích đánh giá năng lực tiếp thu bài giảng và tương tác từ người học. Qua sự hướng dẫn của TS. Veljo Kabin, các thành viên tham gia đã trực tiếp thao tác trên Hệ thống Moodle, bước đầu đã thành lập được một số bài kiểm tra trực tuyến để có thể đánh giá trực tiếp người học sau mỗi bài giảng.

17 giờ 30 phút cùng ngày, TS. Lê Thị Kim Thoa tuyên bố bế mạc kết thúc hai ngày tập huấn đầy sôi nổi và hiệu quả. Thay mặt Dự án MARE, TS. Lê Thị Kim Thoa gửi lời cám ơn tới tất cả các thành viên tham gia Hội thảo tập huấn và hy vọng trong năm học sắp tới Hệ thống đào tạo trực tuyến sẽ góp phần hiệu quả vào công tác của các Đơn vị, Trường Đại học của Dự án. Tất cả thành viên tham gia đều nhất trí rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc dạy học online sẽ kéo dài, và đây sẽ là phương tiện phục vụ đắc lực cho việc soạn bài giảng hiệu quả, rút ngắn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực của người học hơn so với trước đây, đồng thời đẩy mạnh được sự tương tác giữa người dạy – người học một cách tích cực. Các thành viên tham gia đều hy vọng sắp tới sẽ thuần thục các kỹ năng soạn bài giảng trên hệ thống mới và sớm sẽ ứng dụng được những kinh nghiệm được tập huấn trong hai ngày vừa qua vào công tác đào tạo, giảng dạy thực tế.