Sáng ngày 31 tháng 10 năm 2018, tại Trung tâm hội nghị Khách sạn Victory, số 14 Võ Văn Tần, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST – thuộc Sở KHCN TP.HCM) và Trường ĐH Nihon (Nhật Bản) đồng tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Nghiên cứu Biển, Cửa sông và Bãi bồi – ECSS 2018 (The 4th International conference on Estuarine, Coastal and Shelf Studies).
Hội nghị quốc tế ECSS 2018 nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên – sinh viên trên khắp cả nước với hơn 20 bài báo cáo và tham luận trình bày các kết quả nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực biển, cửa sông và bãi bồi.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị nêu bật lên vai trò quan trọng của việc nghiên cứu các quá trình tự nhiên ở biển, đại dương cũng như các vùng ven biển, cửa sông và bãi bồi. Đồng thời Giáo sư cũng đánh giá cao các thành tựu hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học giữa Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cùng với Đại học Nihon Nhật Bản.
GS.TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, GS. TS Nguyễn Kỳ Phùng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Phó Giám đốc Sở KHCN TP. HCM, Phó Ban tổ chức Hội nghị, nêu lên các tác động của con người cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới các quá trình tự nhiên của biển, đại dương, các vùng ven biển,… như sự tăng nhiệt độ, nước biển dâng, sự gia tăng số lượng, cường độ và biến đổi khó lường của bão và áp thấp nhiệt đới, đồng thời gây ra sự xói lở nghiêm trọng vùng cửa sông và ven biển, ô nhiễm biển, v.v…
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, phát biểu tại Hội nghị
Từ đó Giáo sư bày tỏ hy vọng các kết quả nghiên cứu, báo cáo và tham luận tại Hội nghị ECSS 2018 sẽ đem lại nhiều giá trị và thông tin khoa học tích cực cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, các nhà quản lý, nghiên cứu sinh, học viên cũng như sinh viên quan tâm đến ngành khoa học trái đất.
Về phía Đại học Nihon (Nhật Bản), GS. TS Akio Kobayashi bày tỏ niềm vui mừng về những thành tựu và kết quả đạt được trong hợp tác nghiên cứu khoa học giữa phía Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2012 đến nay, đồng thời cảm ơn sự tiếp đón trọng thị và ấm áp từ Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán. Trong những năm vừa qua, mối quan hệ và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa ba đơn vị đã không ngừng được nâng cao, tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật tích cực và hiệu quả cho các nhà khoa học, tạo điều kiện giúp đỡ Đại học Nihon trong các chuyến khảo sát và thực địa tại Việt Nam. Đồng thời Giáo sư cũng trình bày các kết quả nghiên cứu của Đại học Nihon và định hướng hợp tác trong tương lai giữa ba đơn vị.
GS. TS. Akio Kobayashi – Đại diện Đại học Nihon (Nhật Bản) phát biểu tại Hội nghị
TS. Lê Thị Kim Thoa – Đại diện Khoa Quản lý tài nguyên Biển và Hải đảo, Phó Ban tổ chức Hội nghị bày tỏ niềm hân hoan và gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, NCS, học viên – sinh viên đã tới tham dự Hội nghị Quốc tế ECSS 2018. TS. Lê Thị Kim Thoa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngành Quản lý tài nguyên và môi trường Biển đảo tới sự phát triển chung của xu thế nghiên cứu về Khoa học trái đất, biến đổi khí hậu,v.v… hiện nay, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác học thuật chặt chẽ giữa Khoa Quản lý tài nguyên Biển và Hải đảo và Đại học Nihon và bày tỏ niềm hy vọng về việc mở rộng quy mô hợp tác nghiên cứu khoa học cũng như quy mô tổ chức Hội nghị ECSS trong tương lai. Kết thúc bài phát biểu, TS. Lê Thị Kim Thoa cùng với GS.TS. Akio Kobayashi chủ trì Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 ECSS 2018.
TS. Lê Thị Kim Thoa – Đại diện Khoa Quản lý tài nguyên Biển và Hải đảo phát biểu và điều khiển chương trình Hội nghị.
Mở đầu phiên toàn thể, GS. TS Akio Kobayashi đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về sự suy giảm bãi cát biển Hòn Chồng tại TP. Nha Trang, đồng thời đưa ra các giải pháp phục hồi bằng nuôi bãi. Kết quả của nghiên cứu này đã thu hút sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của các nhà khoa học hàng đầu về tính cấp bách của vấn đề.
GS. TS Akio Kobayashi chia sẻ kết quả nghiên cứu về sự suy giảm bãi cát biển tại Hòn Chồng – TP. Nha Trang
Tiếp theo đó, trong khuôn khổ Hội nghị ECSS 2018, đông đảo các nhà khoa học đã trình bày nhiều nghiên cứu thực tế, thiết thực và cấp bách đến các quá trình tự nhiên của đại dương, biển, vùng ven bờ và cửa sông như: Tiến trình thay đổi hình thái cửa sông ven biển Miền Trung và sông Cửu Long, sự hình thành các cồn cát ven biển, sự biến đổi hình thái bờ biển hay các xu hướng xói lở cửa sông và ven biển dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu, bằng các phương pháp ứng dụng dữ liệu khảo sát thực tế, mô hình toán học hoặc dữ liệu công nghệ viễn thám GIS. Kết quả của các nghiên cứu này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, NCS, học viên – sinh viên tham dự Hội nghị.
Một số hình ảnh về các bài báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học tại Hội nghị ECSS 2018
Ngay sau đó đã diễn ra các thảo luận nghiêm túc, sôi nổi, hiệu quả và mang tính xây dựng cao giữa các nhà khoa học, NCS, học viên – sinh viên tham dự Hội nghị. Đồng thời đề xuất các ý kiến phân tích cũng như phương án thực hiện nhằm nâng cao kết quả của các nghiên cứu, tiến tới ứng dụng, cung cấp thông tin rộng rãi, hiệu quả tới đông đảo không chỉ các nhà khoa học, các nhà quản lý mà còn các thành phần không chuyên quan tâm tới ngành Khoa học trái đất.
Thảo luận, trao đổi, đề xuất ý kiến và các phương án tới kết quả các nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị
Phiên bế mạc của Hội nghị được diễn ra vào trưa cùng ngày. Đại diện các đơn vị tổ chức đã phát biểu và gửi lời cảm ơn tới tất cả các đại biểu, các nhà khoa học và đông đảo những người quan tâm tới Hội nghị nói riêng cũng như ngành Khoa học trái đất nói chung.
Đại diện các đơn vị tổ chức, các đại biểu, nhà khoa học và khách mời tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm
Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về “Nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi” – ECSS 2018 đã kết thúc thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp từ các đại biểu, nhà khoa học, bạn bè trong nước và quốc tế.