Từ ngày 21/7 đến ngày 26/7/2019, Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo, được sự hỗ trợ và phối hợp của Viện Hải dương học Nha Trang, đã tổ chức thành công chương trình Thực tập thực tếHải dương học cho lớp 05-QLBĐ ngành “Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo”. Chuyến đi đã mang lại cho các bạn sinh viên nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, góp phần nâng cao học thuật chuyên ngành, cũng như giúp ích cho việc chuẩn bị Đồ án tốt nghiệp trong tương lai.
Sáng chủ nhật ngày 21/7/2019, Đoàn thực tập xuất phát về TP biển Nha Trang từ Trụ sở chính Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với không khí rạo rực và hân hoan.
Xe đưa Đoàn xuất phát từ Trụ sở trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM
Quang cảnh trên đường đi được các bạn sinh viên ghi lại
Sau khi trải qua gần 12 tiếng hành trình, Đoàn đã tới thành phố biển Nha Trang xinh đẹp và dừng chân tại trường Đại học Nha Trang.
Quang cảnh TP biển Nha Trang và Trường ĐH Nha Trang
Ngay trong tối ngày 21/7, sau khi đã nghỉ ngơi, Đoàn được giảng viên ThS. NCS. Ngô Nam Thịnh phổ biến lại nội quy, nội dung học thuật cũng như một số kinh nghiệm khi đi thực tập thực tế. Các bạn sinh viên đã nắm bắt rất nhanh các quy định cũng như kinh nghiệm từ thầy.
ThS. NCS. Ngô Nam Thịnh phổ biến một số kinh nghiệm khi đi thực tập thực tế
Sáng ngày 22/7, Đoàn xuất phát tới tham quan và học tập tại Viện Hải dương học Nha Trang tại địa chỉ 01 Cầu Đá, TP. Nha Trang.
Bình minh trên biển Nha Trang sáng ngày 22/7
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Viện Hải dương học Nha Trang
Tại đây, Đoàn đã nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình từ Viện Hải dương học, cũng như các cán bộ nơi đây, cụ thể là tại Bảo tàng Hải dương học, Phòng Vật lý biển, Phòng Địa chất và địa mạo biển và trung tâm dữ liệu GIS và viễn thám biển.
Đoàn tham quan và học tập dưới sự hướng dẫn của cán bộ Bảo tàng Hải dương học
Mẫu vật xương cá voi (nằm trong sách kỷ lục Guinness Việt Nam) và Bò biển trưng bày trong Bảo tàng
Tiếp sau đó, các bạn sinh viên được tham quan trạm quan trắc mực nước Cầu Đá. Đây là trạm đo lâu đời, được thành lập từ năm 1930 và hoạt động ổn định cho đến nay.
Tại đây, sinh viên được cán bộ Viện Hải dương học giới thiệu lịch sử thành lập và hoạt động của Trạm, cũng như cơ chế hoạt động, cách thức đo đạc số liệu của Trạm. Đoàn sinh viên đã nghiêm túc tiếp thu những kiến thức quý báu được chia sẻ, làm cơ sở cho các hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.
Một số hình ảnh từ vị trí Trạm quan trắc Cầu Đá và các dụng cụ đo đạc số liệu mực nước tại đây.
Chiều cùng ngày, Đoàn được tham quan và học tập tại Trung tâm dữ liệu GIS và viễn thám biển, được nghe giới thiệu về các loại máy móc và dụng cụ thu thập và xử lý số liệu và xử lý mẫu. Tiếp theo Đoàn được trưởng phòng Địa chất biển trực tiếp chia sẻ về lịch sử hình thành, các chuyến khảo sát lấy mẫu, cũng như quy trình khảo sát, sàng lọc – chọn mẫu, xử lý mẫu vật thu được.
Nghe ThS. NCVC Nguyễn Đình Đàn giới thiệu, hướng dẫn và học tập tại phòng Địa chất biển
Các mẫu trầm tích Phòng thu được qua các chuyến đi khảo sát
Các bạn sinh viên rất hào hứng với những chia sẻ từ ThS. Nguyễn Đình Đàn, chăm chú ghi chép và thu nhặt những kiến thức chuyên ngành cực kỳ thú vị và bổ ích về trầm tích biển và các công tác khảo sát – thu thập – xử lý mẫu.
Sau đó, Đoàn đã được các cán bộ phòng Vật lý biển giới thiệu về lịch sử hoạt động của Phòng, cũng như hướng dẫn quy trình tổ chức một chuyến khảo sát biển – là một trong những mảng kiến thức cực kỳ quý giá cho chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo.
Cán bộ phòng Vật lý biển giảng, giới thiêu, phổ biến và hướng dẫn quy trình tổ chức một chuyến đo đạc khảo sát.
Kết thúc ngày tham quan, học tập đầy bổ ích và lý thú, Đoàn gửi lời cảm ơn chân thành đến các cán bộ, phòng ban của Viện đã nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kiến thức cho sinh viên và chụp hình lưu niệm trước phòng thí nghiệm,
Đoàn chụp hình lưu niệm trước Phòng thí nghiệm Hải dương học và Môi trường biển
Ngày 23/7, Đoàn đã đến tham quan và học tập tại Phòng Thủy địa hóa dưới sự hướng dẫn của các cán bộ Phòng.
Tại đây, sinh viên được hướng dẫn cách sử dụng các chất hóa học để sàng lọc mẫu vật, cũng như phân tích các thành phần hóa học, sinh học của nước biển. Các bạn sinh viên đã hăng say làm thí nghiệm, ghi chép kiến thức bổ ích làm tài liệu học thuật sau này.
Làm thí nghiệm và bổ sung kiến thức từ các cán bộ hướng dẫn.
Sang ngày 24/7, Đoàn đã được tổ chức một chuyến khảo sát biển thực tế tại biển Nha Trang tại tọa độ (12o12, 21’N ; 109o13, 363’E) khu vực gần hòn Tre.
Trên thuyền khảo sát, từng nhóm sinh viên được các cán bộ Viện Hải dương học hướng dẫn các bước từ chuẩn bị, neo buộc dụng cụ khảo sát, thả máy tới thao tác xử lý đo số liệu trực tiếp trên máy tính. Ngoài ra, các nhóm còn được chỉ dẫn cách đo tọa độ điểm khảo sát, đo gió, nhiệt độ trực tiếp trên thuyền, làm cơ sở dữ liệu để ghi chép vào nhật ký khảo sát.
Chuẩn bị….
…..và ra khơi
Các cán bộ Viện Hải dương học hướng dẫn đo đạc số liệu bằng máy AAQ1183 và máy định vị Garmin
Kết thúc chuyến khảo sát thực tế, Nha Trang chào đón Đoàn trở về bằng cơn mưa bất chợt và cầu vồng “đôi” tuyệt đẹp. Đối với các bạn sinh viên, kiến thức thu được trong chuyến khảo sát lần này cực kỳ quý báu và bổ ích. Đoàn quay về KTX Đại học Nha Trang nghỉ ngơi và chuẩn bị cho báo cáo tổng kết của chuyến đi.
Sáng ngày 26/7, Đoàn đã tạm biệt Nha Trang, lên xe hành trình trở về TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị cho buổi báo cáo kết quả chuyến đi tại trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM.
Sáng ngày 8/8 tại Trụ sở trường, các nhóm sinh viên đã tiến hành báo cáo tổng kết về kết quả thu được sau chuyến đi, cũng như công tác xử lý số liệu đo đạc thực tế thu được trên biển Nha Trang.
Các nhóm sinh viên báo cáo tổng kết chuyến đi và…
….công tác xử lý số liệu thực tế thu được.
Kết thúc buổi báo cáo, các giáo viên hướng dẫn đã tiến hành chấm điểm dựa trên các thang đã phổ biến cho sinh viên từ đầu chuyến đi, tất cả các nhóm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, tuân thủ tốt nội quy và đạt được điểm số cao.
Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo chúc mừng các bạn đã hoàn thành tốt chuyến thực tập thực tế lý thú. Đồng thời, Khoa cũng gởi lời cám ơn chân thành tới Viện Hải dương học nói chung và các cán bộ Bảo tàng, phòng/ban nói riêng đã tạo điều kiện và hỗ trợ nhiệt tình cho đoàn trong chuyến đi lần này, góp phần làm cho sợi dây liên kết giữa Viện và Khoa thêm bền chặt nhằm nâng cao kiến thức, học thuật cho các đoàn sinh viên trong tương lai.
Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo./.