Trần Thị Mai Phương, Lê Thị Phụng, Trần Thị Tương Linh, Nguyễn Kỳ Phùng, Nicolas Marmier
Loài nhuyễn thể Glauconoma virens hay tên địa phương là Phi Cái là loài sinh sống phổ biến tại các vùng ven biển của Khánh Hòa và có thể sử dụng như một sinh vật quan trắc chỉ thị ô nhiễm môi trường trong khu vực. Chúng tôi tiến hành lấy mẫu bùn và nhuyễn thể Glauconoma virens với kích thước khác nhau trong môi trường tự nhiên tại khu vực đầm Thủy Triều và cửa sông Bé thuộc bờ biển Khánh Hòa trong khoảng thời gian 2012-2013 nhằm phân tích nồng độ các kim loại như As, Cd, Cr, Cu, Zn, Fe và Al cũng như đo kích thước sinh vật: độ dài, rộng, dày và trọng lượng của từng sinh vật để xác định chỉ số kích thước (CI).
Chúng tôi đã sử dụng ma trận thống kê để xác định mối liên quan giữa các yếu tố sinh học qua chỉ số kích thước và tích tụ hàm lượng kim loại trong sinh vật (BSAF). Kết quả cho thấy chỉ số kích thước trung bình của phi cái là 74,58 ± 22,49 từ 44,94 (giá trị nhỏ nhất) đến 105,52 (giá trị cao nhất) là phù hợp tương quan sinh trưởng của loài. Sự tích tụ các kim loại như Cr, Cu, Zn trong thịt nhuyễn thể có mối tương quan đối nghịch với chỉ số kích thước (tương ứng r = -0,817; -0,929 và -0,777). Chỉ số kích thước cũng tương quan nghịch với hàm lượng As, Fe và Al (tương ứng r = -0,181; -0,539 và -0,381). Duy chỉ có hàm lượng Cd tương quan không đáng kể với chỉ số kích thước với chỉ số tương quan r = 0,446. Phi cái G.virens có thể được coi là một sinh vật chỉ thị ô nhiễm kim loại thích hợp trong vùng ven biển Khánh Hòa vì chỉ số CI hầu như không phụ thuộc hàm lượng kim loại tích tụ trong cơ thể sinh vật.
Từ khóa: tích tụ sinh học, kim loại nặng, nhuyễn thể, Glauconoma virens, bùn lắng, bờ biển Khánh Hòa.