Vào ngày 31/7/2019 tại trụ sở Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Hội đồng Khoa học Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo đã tổ chức cuộc họp bàn về chuẩn đầu ra mới theo AUN (ASEAN University Network).
AUN (ASEAN University Network) – được lược dịch là Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á, vào năm 1998 đã thành lập mạng lưới chuyên trách Đảm bảo chất lượng AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance), mục đích phát triển hệ thống ĐBCL tổng thể giúp đưa ra các tiêu chuẩn học thuật và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ giữa các trường đại học thành viên thông qua quảng bá, phát triển các mô hình ĐBCL theo chuẩn AUN-QA, triển khai nhiều mô hình hoạt động ĐBCL theo cách tiếp cận thực nghiệm.
Tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, rất nhiều trường Đại học đã phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra theo AUN-QA. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều trường chưa có chuẩn đầu ra theo chương trình này, và ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM là một trong số đó.
Đáp ứng với nhu cầu thực tế của người học cũng như các nhà tuyển dụng, Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo xác định là Khoa tiên phong trong việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo nhằm phù hợp với xu hướng phát triển chuẩn đầu ra phù hợp theo AUN. Đó cũng là lý do Hội đồng Khoa học Khoa đã nhóm họp, nhằm đánh giá, rà soát lại chương trình đào tạo các khóa cũ nhằm phù hợp với chuẩn đầu ra theo AUN.
Tới dự buổi họp có các thành viên của Hội đồng:
- GS. TS. Nguyễn Kỳ Phùng – Phó giám đốc Sở KHCN TPHCM – Chủ tịch Hội đồng
- PGS. TS. Lê Quang Toại – GV trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM – Ủy viên
- PGS. TS. Nguyễn Thị Bảy – GV trường ĐH Bách Khoa TPHCM – Ủy viên
- TS. Bảo Thạnh – GV trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM – Ủy viên
- TS. Lê Thị Kim Thoa – Phó trưởng khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo – Ủy viên
- TS. Đinh Ngọc Huy – GV trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM – Thư ký
Mở đầu buổi họp, TS. Lê Thị Kim Thoa đọc Quyết định thành lập Hội đồng từ trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Tiếp sau đó GS. TS. Nguyễn Kỳ Phùng nêu rõ mục đích buổi họp – đó là đánh giá, rà soát lại các môn trong chương trình đào tạo hiện hành đối với các khóa 05, 06, 07 và 08, lấy ý kiến chuyên gia từ các thành viên Hội đồng và kinh nghiệm xây dựng chuẩn đầu ra AUN tại các trường ĐH lớn trên địa bàn TP.HCM
Hội đồng rà soát lại chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra mới theo AUN
Hội đồng xác định, chuẩn đầu ra mới theo AUN phiên bản 3.0 bao gồm 11 bộ tiêu chuẩn, sẽ là bước tiến lớn nhắm đến mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học, từ đó giúp cho sinh viên đáp ứng được chuẩn đầu ra mới, ra trường đi làm đáp ứng được các tiêu chí của nhà tuyển dụng.
Bộ tiêu chuẩn AUN 3.0
Lần lượt các chuyên gia đầu ngành như PGS. TS. Lê Quang Toại, PGS. TS. Nguyễn Thị Bảy, TS. Bảo Thạnh sau khi xem xét chương trình đào tạo, đề cương các môn học đã đóng góp những ý kiến quý báu cho việc đổi mới chương trình cho các khóa 08, 09 trong tương lai. Đồng thời, các thầy cô cũng đưa ra những kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn AUN từ trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM và ĐH Bách Khoa TPHCM. Thay mặt Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo, TS. Lê Thị Kim Thoa tiếp thu các ý kiến đóng góp cũng như những chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các thành viên Hội đồng.
Hội đồng đi đến thống nhất rằng ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo là một ngành đặc thù, và sẽ là ngành mũi nhọn trong tương lai khi Nhà nước đã và đang có nhiều chiến lược hướng biển. Vì vậy chương trình đào tạo phù hợp chuẩn AUN cho ngành sẽ đổi mới theo hướng thay đổi một số môn học trong chương trình, nhằm bám sát hơn với chuẩn đầu ra ngành thực tếvà nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan liên quan.
Hội đồng cũng thống nhất trong thời gian tới sẽ nhóm họp, sau khi các giáo viên của Khoa đã được tập huấn về cách xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo AUN do trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức, để đánh giá lại một lần nữa các đề cương môn học, chương trình đào tạo theo chuẩn mới đã được tập huấn.
Kết thúc buổi họp, GS. TS. Nguyễn Kỳ Phùng tổng kết lại những ý kiến của Hội đồng, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các thành viên Hội đồng đã đóng góp những kinh nghiệm quý báu cho công tác chuẩn bị, tiến tới đổi mới chuẩn đầu ra theo AUN. Buổi họp kết thúc vào 11h30 cùng ngày.