Vào ngày 25 tháng 9 năm 2019 tại Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Đại học Nihon tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế thứ 5 về Nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi (The Fifth International Conference on Estuarine, Coastal and Shelf Studies – ECSS 2019).
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh và các sinh viên tham dự. Hội thảo năm nay tiếp tục đón nhận các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về các lĩnh vực như: Bảo vệ cửa sông và bãi biển; Công trình biển; Dòng chảy và vận chuyển bùn cát ven biển; Động lực và chuyển đổi của vùng cửa sông ven biển; Đầm phá nước lợ và các vùng chuyển tiếp; Hình thải cửa sông và ven biển; Môi trường biển; Nuôi trồng thủy hải sản; Phân bố loài trong điều kiện môi trường khác nhau; Quá trình biển đổi bề mặt và đáy biển; Quản lý tổng hợp đới bờ,…. Các báo cáo trong Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của tất cả các đại biểu, không ít những ý kiến đề xuất được các nhà khoa học đánh giá cao.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Xuân Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chào mừng tất cả đại biểu và những người quan tâm đến Hội thảo năm nay. Tiếp đó, thầy nêu lên vai trò, ý nghĩa của nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi trong điều kiện khí hậu toàn cầu hiện nay đang bị biến đổi phức tạp. Vì thế việc đánh giá kết quả các công trình nghiên cứu học thuật về cửa sông, ven biển đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong điều kiện hiện nay.
PGS.TS Vũ Xuân Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
“Tham dự hội thảo, các học giả, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia sẽ chia sẻ ý tưởng và quan điểm về các vấn đề chung của cửa sông, bờ biển và ứng dụng khoa học và công nghệ để quản lý môi trường bền vững, thảo luận về những thách thức và ứng phó trong các nghiên cứu, đó có thể là khởi nguồn cho các tiêu chuẩn thực nghiệm mới trong lĩnh vực nghiên cứu” – PGS.TS Vũ Xuân Cường mong muốn.
Tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Giữa Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Đại học Tài nguyên và Môi trường Hồ Chí Minh có mối quan hệ mật thiết đã được xây dựng và phát triển trong thời gian rất dài trong lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường nói chung, trong đào tạo, giáo dục và nghiên cứu nói riêng, và đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể”.
Theo PGS.TS Phạm Quý Nhân, Hội nghị này là một sự kiện quan trọng, trong đó các giảng viên, các lãnh đạo của bốn đơn vị đồng tổ chức có thể chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, tham gia vào các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học, cũng như công bố các công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Ông cũng mong rằng đây sẽ là tiền đề để cho bốn tổ chức sẽ thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và cùng nhau phát triển trong nghiên cứu, giáo dục và đào tạo.
PGS.TS Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
GS.TS Kobayashi Akio (Đại học Nihon, Nhật Bản) gửi lời cám ơn chân thành tới các đơn vị đồng tổ chức, ông rất vui vì 4 lần tổ chức trước Hội thảo đã đạt được những kết quả học thuật cực kỳ cao, mang đến những kiến thức khoa học và đề xuất thực sự hữu ích cho các cán bộ cũng như giảng viên trong lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề về Biển, cửa sông và bãi bồi. Bốn năm qua cũng đã ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ giữa Đại học Nihon, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán. Ông hy vọng năm nay, cùng với Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các cán bộ, giảng viên sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm, các đơn vị mở ra được nhiều cơ hội hợp tác trong nghiên cứu liên ngành cũng như trong đào tạo.
GS.TS Kobayashi Akio (Đại học Nihon, Nhật Bản) phát biểu tại Hội thảo
Kết thúc phiên khai mạc, Lãnh đạo các đơn vị đã trao quà lưu niệm thể hiện cho tinh thần hữu nghị, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung, giữa các đơn vị nói riêng.
Lãnh đạo các đơn vị tặng quà lưu niệm thể hiện cho tinh thần hữu nghị và hợp tác.
Hội thảo ECSS 2019 nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học khắp cả nước với 16 báo cáo tham luận được các phản biện đánh giá cao về nội dung khoa học.
Tiếp sau đó là các phiên trình bày báo cáo khoa học đến từ các nhà khoa học và giảng viên của Đại học Nihon, Trung tâm nghiên cứu công trình công cộng – Nhật Bản, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, v.v…
GS.TS. Kobayashi Akio trình bày kết quả nghiên cứu về sự dịch chuyển các đụn cát
TS. Takaaki Uda – Giám đốc Trung tâm công trình công cộng Nhật Bản trình bày tại Hội thảo
PGS. TS. Phạm Quý Nhận trình bày kết quả nghiên cứu về quy hoạch biển tại Hội thảo
NCS. Takuya Yokota (ĐH Nihon) và ThS. Trần Thị Kim (ĐH TNMT TPHCM) trình bày nghiên cứu tại Hội thảo
Các báo cáo đã được các đại biểu tham dự Hội thảo thảo luận sôi nổi suốt các phiên họp, nhiều ý kiến chuyên môn cao đã được đưa ra giúp ích cho các báo cáo viên nhận biết những điểm chưa tốt trong nghiên cứu cũng như các hướng giải quyết trong tương lai.
Sau các phiên báo cáo nghiêm túc và sôi nổi, các đại biểu đều đánh giá cao nội dung học thuật phong phú và cấp thiết từ các báo cáo tham luận tại Hội thảo. Kết thúc Hội thảo, thay mặt cho BTC, TS. Lê Thị Kim Thoa – Phó trưởng Khoa Quản lý tài nguyên Biển và Hải đảo gửi lời cám ơn chân thành cho sự tham gia và đóng góp nhiệt tình các ý kiến quý báu của các đại biểu, cám ơn các đơn vị đồng tổ chức đã làm việc hết sức nghiêm túc và chuyên nghiệp để Hội thảo được tổ chức thành công.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 5 về Nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi – ECSS 2019 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hẹn gặp lại vào ECSS 2020 với thật nhiều kết quả nghiên cứu mới, nhiều hợp tác mới hơn nữa./.