Hội đồng Khoa học họp đánh giá Chuẩn đầu ra Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường Biển đảo

Vào lúc 10 giờ sáng, ngày 26 tháng 02 năm 2020, tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh,  Hội đồng Khoa học Khoa Quản lý Tài nguyên biển và hải đảo đã họp để thảo luận và đánh giá về việc xây dựng/điều chỉnh nội dung CĐR của CTĐT chuyên ngành: Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo.

Tham gia buổi họp có GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng – Chủ tịch Hội
đồng, PGS.TS. Lê Quang Toại, TS. Bảo Thạnh, PGS.TS. Nguyễn Thị Bảy, cùng các thành viên của Hội đồng và các giáo viên Khoa Quản lý Tài nguyên Biển & Hải đảo.

Thay mặt BLĐ Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo, TS. Lê Thị Kim Thoa trình bày trước Hội đồng báo cáo về các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh CĐR của CTĐT bậc cử nhân, dành cho sinh viên niên khóa 2019-2023 theo chuẩn mới AUN. Nội dung cuộc họp hôm nay sẽ là thảo luận về các CĐR đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn theo Quyết định ban hành quy định về CĐR của CTĐT của trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đồng thời cũng phải phản ánh rõ nét và chính xác về ngành học. Nội dung thứ hai là thảo luận, góp ý về khung của CTĐT, các đề cương môn học có liên quan, điều chỉnh, bổ sung hoặc rút gọn các môn học không cần thiết trong CTĐT.

Sau khi nghe Lãnh đạo Khoa báo cáo về các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh CĐR của CTĐT và sau đó là báo cáo về công tác lấy ý kiến của các bên liên quan, ở đây là khảo sát ý kiến về nội dung CĐR của CTĐT từ các cơ quan chuyên môn, những cơ quan có nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường, Hội đồng đã thảo luận về kết quả của báo cáo và nội dung các CĐR dự kiến của ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo. Tất cả các thành viên của HĐKH cơ bản nhất trí cao về các CĐR được Khoa xây dựng nhưng cần điều chỉnh một số câu chữ để nội dung đảm bảo đúng chuẩn đề ra, trong đó:

  • PGS.TS. Lê Quang Toại: Nhất trí với nội dung các CĐR Khoa đã xây dựng cho CTĐT ngành, nội dung phản ánh tốt về ngành học và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn do Trường đề ra.
  •  TS. Bảo Thạnh: Về cơ bản nhất trí với nội dung các CĐR, tuy nhiên về CĐR số 4 cần sửa để “ứng dụng CNTT không chỉ trong xử lý số liệu biển”, CĐR số 11 sẽ có khó khăn trong đánh giá “tư duy” có hiệu quả hay không. 

            Về CTĐT của ngành, HĐKH sau khi nghe Lãnh đạo Khoa báo cáo về khung chương trình đào tạo chi tiết cho sinh viên hệ cử nhân đã thảo luận và có một số ý kiến như sau:

  • PGS.TS. Lê Quang Toại: Các môn Toán cao cấp, Cơ – NhiệtHóa đại cương cần rà soát chính xác nội dung bám sát theo đề cương để bổ sung nhằm cung cấp cho sinh viên đầy đủ kiến thức, giúp sinh viên đủ cơ sở để theo học các môn cơ sở ngành và chuyên ngành các năm sau. Môn Tương tác đại dương khí quyển nên đổi tên thành Động lực học khí quyển đại dương sẽ phản ánh đúng nội dung của môn học; thứ hai là môn Phương pháp xử lý số liệu biển cũng nên bổ sung thành Phương pháp xử lý số liệu điều tra khảo sát biển. Ngoài ra còn môn Sóng dài đới ven bờ nội dung khó và nên thay bằng môn Động lực học vùng nước nông sẽ phù hợp cho sinh viên của ngành hơn.
  • TS. Bảo Thạnh: Cần rà soát nội dung đề cương 2 môn Phương pháp xử lý số liệu biểnPhương pháp thống kê hải dương học xem có bị trùng lặp về nội dung hay không; Thực tập thực tế chuyên ngành có nên chăng xếp vào thực tập đồ án tốt nghiệp? Môn Tin học chuyên ngành cần rà soát lại nội dung giảng dạy để sinh viên áp dụng được kiến thức vào các môn học sau này.
  • PGS.TS. Nguyễn Thị Bảy: Môn Cơ lưu chất nên rà soát lại đề cương, bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp và đầy đủ giúp sinh viên có thêm kiến thức cần thiết; Xem xét nâng số lượng tín chỉ cho một số môn, (vd như Phương pháp số trong hải dương học) để đáp ứng đủ khối lượng kiến thức cần dạy cho sinh viên. Môn Mô hình hóa môi trường biển cũng nên sửa lại đề cương chi tiết, môn Đánh giá tác động môi trường biển cần bổ sung thêm một số nội dung dạy cho sinh viên để nội dung được đầy đủ và tốt hơn.
  • GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng: Nên giữ lại môn Động lực học biển và lược bỏ 3 môn Dòng chảy biển, Sóng biển và Thủy triều; môn Phương pháp số trong hải dương học cần được rà soát và bổ sung thêm nội dung trong giảng dạy như: bổ sung thêm các ví dụ và bài toán 1 chiều, 2 chiều giúp sinh viên  hình dung và hiểu được mục đích của các phương pháp số. Nên lược bỏ môn Tin học chuyên ngành và thay bằng môn khác hợp lý hơn đối với sinh viên ngành Quản lý.
  • TS. Đinh Ngọc Huy: Đề nghị đưa môn Phương pháp tính vào CTĐT cho sinh viên năm nhất, là môn đại cương để sinh viên có thể tiếp thu được kiến thức các môn cơ sở ngành và chuyên ngành, trước hết là môn Phương pháp số trong hải dương học.
  • TS. Lê Thị Kim Thoa: Nhất trí với ý kiến của các thành viên hội đồng, đề nghị thêm vào một số môn cơ sở ngành và các môn mới thay vào các môn dự kiến lược bỏ, sát với nội dung đào tạo sinh viên ngành quản lý hơn như: Con người và môi trường biển đảo; Biển đảo với vấn đề biến đổi khí hậu; Bảo vệ bờ biển chống biến đổi khí hậu; Kiểm soát ô nhiễm biển và Kỹ thuật bờ biển.

Sau phiên thảo luận và đánh giá nghiêm túc, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, chủ tịch Hội đồng thống nhất thông qua nội dung các chuẩn đầu ra của CTĐT cho sinh viên hệ cử nhân ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo; rà soát và thống nhất một số phương án điều chỉnh/bổ sung các môn học trong chương trình đào tạo như Hội đồng góp ý; rà soát và yêu cầu điều chỉnh nội dung đề cương một số môn học để bám sát chương trình đào tạo và phù hợp với CĐR của CTĐT ngành như theo góp ý của các thành viên Hội đồng khoa học.

Phiên họp kết thúc vào hồi 12 giờ, ngày 26 tháng 02 năm 2020.