Nhằm giúp cho các em học sinh THPT định hướng chọn lựa ngành học phù hợp, tập thể giáo viên Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã biên đoạn video clip giới thiệu về ngành.
Là sản phẩm đầu tay, nên còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý để chúng tôi có thể làm tốt hơn cho những lần sau.
Sau đây là video giới thiệu về ngành mà tập thể giáo viên Khoa đã dày công sưu tầm và xây dựng lên một câu chuyện nói về tầm quan trọng của tài nguyên và môi trường biển đảo trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Vai trò của đào tạo trong việc cung cấp nguồn nhân lực về lĩnh vực biển đảo cho đất nước.
Các link dự phòng video:
Link 1: https://youtu.be/Ftlmu6BSioQ
Link 2: https://youtu.be/B27QyxrmPIU
Link 3: https://youtu.be/xJ-Zh8EFj5Q
Cùng với những đóng góp to lớn từ khai thác tài nguyên biển vào quá trình phát triển chung của đất nước, môi trường biển Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực.
Nguồn tài nguyên biển đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Rừng ngập mặn bị tàn phá phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, trên biển diễn ra hết sức phức tạp đã khiến các khu vực ven sông, ven biển bị sạt lở nghiêm trọng. Nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển ngày một gia tăng. Nhiều loài sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ diệt chủng. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước đánh bắt. Các sự cố môi trường do tràn dầu, hóa chất, xói lở bờ biển… ngày càng nghiêm trọng.
Vùng biển đang chịu tác động kép từ việc khai thác quá mức nguồn lợi từ biển và hoạt động xả thải từ các hoạt động kinh tế ở các khu vực ven biển. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, kéo theo hàng loạt các hệ lụy mà còn cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Để khắc phục những bất cập trên, rất cần một phương thức quản lý tài nguyên môi trường biển hữu hiệu.
Nhằm cải thiện môi trường sống, bảo vệ các hệ sinh thái, các công trình chắn sóng, gây bồi tạo bãi đã được áp dụng nhiều nơi. Những cánh rừng ngập mặn dần được khôi phục. Việc thiết lập rạn nhân tạo là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phục hồi, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển, tăng cường nuôi trồng thủy sản đáp ứng các yêu cầu của thị trường về các nhãn sinh thái. Việc thu gom, xử lý rác thải nhựa góp phần phục hồi hệ sinh thái biển. các Phong trào chống rác thải nhựa nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường là giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện môi trường biển.
Trong những năm qua, các quốc gia có biển không ngừng đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về biển, trong đó, chính sách thúc đẩy giáo dục, đào tạo về biển luôn là một trong những vấn đề trọng tâm được nêu trong các chính sách, chiến lược biển.
Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ nay đến năm 2030, toàn ngành tài nguyên và môi trường có nhu cầu tuyển dụng khoảng 57.000 người. riêng lĩnh vực biển và hải đảo khoảng 23.000 người.
Nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm mở ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực để thực hiện thành công chiến lược biển, phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng biển và ven biển.
Trong 4 năm đại học, sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường biển đảo sẽ được trang bị các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành, cùng các kỹ năng mềm được lồng ghép vào các môn học. Với môi trường học tập thân thiện, đội ngũ giảng viên trẻ, yêu nghề, nhiệt tình, đầy tâm huyết góp phần nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên.
Bên cạnh môi trường học tập năng động, nhằm kích thích tính sáng tạo, sinh viên còn được truyền cảm hứng tham gia nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm học tập, trao đổi học thuật thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội nghị, hội thảo được tổ chức thường niên.
Nhằm đảm bảo chất lượng “học đi đôi với hành”, những giờ thực tập phòng máy, làm quen với thiết bị máy móc chuyên ngành, quan sát, thực hành đo đạc, khảo sát và đánh giá tài nguyên và môi trường biển, tham quan thực tế tại nhiều đơn vị, tổ chức, trung tâm, viện nghiên cứu uy tín, được đầu tư, quan tâm đúng mực, tạo không khí học tập năng động, sáng tạo.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng, sinh viên còn được rèn luyện thể chất, kỹ năng mềm để hoàn thiện bản thân. Mở rộng mối quan hệ, hòa mình vào cộng đồng và tạo sự lan tỏa tình yêu và ý thức trách nhiệm về biển đảo. Với phương châm đào tạo nguồn nhân lực “năng lực và phẩm chất vượt trội” sẽ là hành trang vững vàng cho sinh viên của ngành quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo hội nhập vào kỹ nguyên công nghệ 4.0.
Sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý Tài nguyên và Môi trường biển đảo có thể làm việc ở (i) Các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển đảo; (ii) Các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tài nguyên và môi trường biển; (iii) Các tổ chức phi chính phủ về tài nguyên và môi trường biển; (iv) Các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy.
Các tổ hợp môn xét tuyển vào ngành quản lý Tài nguyên và Môi trường biển đảo gồm 4 khối:
- A00 (Toán-Lý-Hóa),
- A01 (Toán-Lý-Anh),
- B00 (Toán-Hóa-Sinh),
- A14 (Toán-Khoa học tự nhiên-Địa lý)
Với 2 phương thức xét tuyển
- Xét học bạ THPT
- Kết quả thi THPT quốc gia
Mã ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường Biển Đảo
7850197
Để hiểu rõ hơn về ngành học quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, các em có thể vào website http://biendaohcm.com, mục tư vấn tuyển sinh để xem các thông tin giải đáp thắc mắc về ngành học. Các em cũng có thể đặt câu hỏi cho chúng tôi bằng cách gửi thông tin vào hộp thư tư vấn tuyển sinh.
Hẹn gặp các em tại Khoa Quản lý tài nguyên biển và hải đảo, Trường Đại học tài nguyên và môi trường TP. HCM.