___________________________________________
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TP.HCM
KHOA QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO
___________________________________________
Quý vị phụ huynh và các em học sinh thân mến!
Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – HCMUNRE xin gửi tới các em học sinh và gia đình lời chào và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và bình an.
Được trở thành sinh viên của một trường đại học không chỉ là ước mơ, mà còn là mục tiêu phấn đấu của bao thế hệ học sinh. Trường đại học mang đến cho các em cơ hội được tiếp cận những tri thức tốt nhất và là dấu mốc lật mở sang một trang mới của cuộc đời mỗi học sinh. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM rất vui mừng nếu được sự quan tâm, phối hợp và đồng hành cùng với gia đình để cùng đào tạo nên một nhân tố của thế hệ tương lai đất nước ta.
Nhà trường biết rằng, hiện nay quý phụ huynh và các em học sinh có rất nhiều lựa chọn ngành nghề ở nhiều trường đại học khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm hiểu kỹ càng, đầy đủ thông tin về ngành nghề cũng như trường đại học mà mình dự định đăng ký hồ sơ. Vì rằng, sau khi nhập học, nhiều em vẫn thắc mắc học ngành này, ngành kia là học cái gì? Ra trường làm gì? Làm ở đâu? Dễ xin việc không? Thu nhập thế nào? … Bài viết này sẽ làm rõ thêm cho quý phụ huynh và các em học sinh một số thông tin cơ bản về ngành học Quản lý Tài nguyên và môi trường Biển đảo để các em có thêm niềm tin và định hướng tương lai.
- HCMUNRE là trường Đại học CÔNG LẬP thuộc Bộ TN&MT duy nhất ở phía Nam với nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho các ngành, các lĩnh vực thuộc Bộ TN&MT quản lý. Trải qua hơn 45 năm hình thành và phát triển, HCMUNRE luôn là địa chỉ uy tín, là cái nôi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho ngành Tài nguyên – Môi trường và xã hội. Năm 2021, Trường đã được tổ chức thực hiện Kiểm định, đánh giá chất lượng Cơ sở giáo dục đại học theo bộ tiêu chuẩn đại học quốc gia và sau khi hoàn thiện các thủ tục, Trường sẽ trở thành 1 trong 150 trường đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo dục đại học quốc gia trong tổng số hơn 460 trường đại học trong cả nước.
- Từ năm 2019, trường đã từng bước thay đổi cập nhật chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, xuyên ngành phù hợp với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy các chương trình đào tào chuyên ngành của trường nói chung và đặt biệt Chương trình đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên và môi trường Biển đảo được thiết kế theo hướng này. Trong 4 năm đại học, bên cạnh khối kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên theo học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo sẽ được trang bị ba khối kiến thức sau: (1) Khối kiến thức về khoa học biển, (2) Khối kiến thức về quản lý biển; (3) Khối kiến thức về công cụ, kỹ thuật biển.
- (i) Khối kiến thức về khoa học biển và đại dương như đặc điểm tự nhiên, khí tượng hải văn, tài nguyên và môi trường biển, luật biển, sự tương tác giữa đại dương và vùng ven bờ… để lý giải được các hiện tượng tự nhiên liên quan đến biển–đại dương, và làm nền tảng khoa học để tiếp thu các học phần chuyên ngành.
- (ii) Khối kiến thức về quản lý biển: nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức liên quan đến công tác quản lý, qui hoạch, lên kế hoạch điều hành, tổ chức các đợt điều tra, khảo sát biển, xây dựng các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên biển theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.
- (iii) Khối kiến thức về công cụ, kỹ thuật biển: nhằm trang bị cho sinh viên (i) các kiến thức về công cụ kỹ thuật chuyên ngành (mô hình toán, phần mềm chuyên ngành) phục vụ tính toán, mô phỏng các quá trình thủy động lực học và đánh giá thực trạng khai thác, quản lý tài nguyên và môi trường biển; (ii) các công cụ quản lý, nghiên cứu biển và đại dương (ảnh vệ tinh, phần mềm GIS, xử ý ảnh) phục vụ công tác giám sát, điều tra, quy hoạch sử dụng và dự báo tài nguyên và môi trường biển; (iii) Các phương pháp dự báo, đánh giá tài nguyên và môi trường vùng biển và ven biển; (iv) Xây dựng cơ sở dữ liệu biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
- Nhằm kích thích tính sáng tạo, sinh viên còn được truyền cảm hứng tham gia nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm học tập, trao đổi học thuật thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội nghị, hội thảo được tổ chức thường niên. Sinh viên theo học ngành Quản lý Tài nguyên và môi trường biển đảo có học lực khá giỏi và tiếng Anh tốt còn được Khoa tiến cử đi tham gia các khóa học mùa hè, mùa đông tại các nước phát triển theo chương trình dự án MARE- Marine Coastal and Delta Sustainability for Southeast Asia phối hợp với các nước như Đức, Ý, Estonia, Malaysia đang thực hiện.
- Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường biển đảo có thể làm việc ở (i) Các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển đảo; (ii) Các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tài nguyên và môi trường biển; (iii) Các tổ chức phi chính phủ về tài nguyên và môi trường biển; (iv) Các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy. Hiện nay các tổ chức thuộc chính phủ, phi chính phủ, các quỹ tài chính, các tập đoàn lớn trên thế giới rất quan tâm đến ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, … Ngoài cơ hội làm việc cho các tổ chức trên, các em sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học còn có rất nhiều cơ hội xin học bổng học ở nước ngoài trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, …
Tại HCMUNRE, ngoài việc truyền thụ kiến thức trên bục giảng, các thầy cô giáo còn là những “người bạn lớn” của các em. Thầy cô sẵn sàng lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu và đồng hành cùng các em về mọi vấn đề trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Thông tin ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường Biển đảo – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tham khảo tại link:
Giải đáp những câu hỏi thắc mắc về ngành học
Chương trình đào tạo 4 năm học
Mến chúc quý phụ huynh và các em bình an trong mùa dịch Covid-19, có thật nhiều sức khỏe.
Lãnh đạo Khoa Quản lý Tài nguyên Biển & Hải đảo
Trường ĐH Tài nguyên & Môi trường TP.HCM