Sáng ngày 14/10/2017, Bộ môn Quản lý Tài nguyên Biển Hải đảo, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi seminar với nội dung “Mô hình ô nhiễm không khí và xây dựng chỉ số ô nhiễm không khí” với sự tham gia và trình bày của các khách mời và chuyên gia đến từ các cơ quan, viện trong khu vực TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng- Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên Biển Hải đảo trình bày mục đích của buổi seminar là nhằm giúp cho các nhà nghiên cứu khoa học có dịp trao đổi thông tin học thuật, cập nhật các kiến thức ở các lĩnh vực chuyên môn về ô nhiễm môi trường. Qua đó góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho các cán bộ, giảng viên trong trường.
Tại buổi seminar, các chuyên gia và khách mời đã trình bày một số nội dung như sau:
Ông Nguyễn Văn Tín trình, Viện Khoa học Công nghệ và Tính toán bày nội dung “Xây dựng Quy trình dự báo các trường khí tượng phục vụ dự báo ô nhiễm không khí cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh”. Kết quả mô phỏng từ 01-12/07/2016 cho thấy, nhiệt độ bề mặt tại Tp. Hồ Chí Minh phân bố không đồng đều giữa các khu vực và các thời điểm trong ngày. Vào giữa trưa và chiều khu vực có nhiệt độ bề mặt cao nhất thuộc các quận trung tâm thấp nhất nằm ở khu vực huyện Nhà Bè và Cần Giờ, tuy nhiên vào buổi sáng và giữa đêm thì ngược lại.
Trường gió tại Tp. Hồ Chí Minh trong thời điểm này chủ yếu là hướng gió tây nam, trong đó có nhiều thời điểm trong ngày hướng gió thay đổi liên tục giữa các ốp thời gian. Khu vực có hướng gió phức tạp nhất là tại ven biển huyện Cần Giờ do nơi đây giáp biển nên chịu ảnh hưởng của hoàn lưu gió đất – biển nên có nhiều thời điểm nơi đây giao thoa của hai hướng gió. Kết quả đánh giá sai số mô hình cho thây. Mô hình cho kết quả dự báo tốt về nhiệt độ so, tuy nhiên về hướng gió và tốc độ gió vẫn có sự sai số khá lớn.
Tiếp phần trình bày nội dung “Xây dựng Quy trình dự báo các trường khí tượng phục vụ dự báo ô nhiễm không khí cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh” là đề tài “Xây dựng quy trình dự báo chất lượng không khí thành phố Hồ Chí Minh” do Th.S Nguyễn Quang Long trình bày. Đề tài đã xây dựng bộ thư viện phát thải (Công nghiệp, giao thông, dân cư, sân bay, tàu- cảng). Xây dựng bộ dữ liệu điều kiện biên và ban đầu cho mô hình CMAQ. Từ đó, xây dựng quy trình dự báo CLKK bằng mô hình CMAQ.
TS. Dương Thị Thùy Nga trình bày đề tài “Hệ thống giám sát và tính toán chỉ số chất lượng MT khu vực thành phố Hồ Chí Minh”. Tác giả đã xác định và tính toán các chỉ số chất lượng môi trường và xây dựng hệ thống WebGIS giám sát chất lượng MT ở TP.HCM.
Hệ thống giám sát chất lượng môi trường cho phép người dùng xem, hiển thị, tính toán các thông tin chất lượng môi trường nước, không khí: hệ thống quan trắc, bản đồ các trạm quan trắc, tần suất đo đạc, cách tính toán các chỉ số chất lượng môi trường (WQI, AQI). Bên cạnh đó, hệ thống WEBGIS còn cung cấp những bản đồ phân vùng chất lượng nước (WQI, BOD, COD, DO,..) theo các lựa chọn như thời gian và thông số (WQI, BOD, COD, DO,..) bằng cách nhập dữ liệu trực tiếp hoặc lấy dữ liệu từ file theo format quy định. Dữ liệu sẽ được lưu trữ để phục vụ công tác tìm kiếm, truy xuất thông tin.
Hệ thống WebGIS cho phép người dùng tải mẫu dữ liệu quan trắc chuẩn của hệ thống về máy và đưa dữ liệu quan trắc chất lượng nước vào file Excel (*.xls) theo đúng tên cột. Hệ thống còn hỗ trợ người dùng lưu lại các điểm đã lựa chọn và xem các giá trị thông qua biểu đồ, lập báo cáo phục vụ công tác quản lý.
BQT Website